Con cái chúng ta thường là những tấm gương phản chiếu tốt nhất về những điều mà chúng ta làm. Qua thời gian, tôi đã bình tĩnh lại và nhận ra tôi cần phải điều chỉnh lại giao tiếp của mình với các con.
Tôi đã thay thế những lời mắng mỏ, lời lẽ tiêu cực và có phần bảo thủ của mình bằng cách giải quyết vấn đề từ sự thấu hiểu, đồng cảm và khuyến khích (dù nó đòi hỏi rất nhiều sự bĩnh tĩnh và kiên nhẫn nhưng tôi sẽ làm được) và thái độ của con gái tôi ngày càng được cải thiện rõ rệt.
10 cụm từ tích cực này là nơi để bạn bắt đầu nếu bạn muốn tạo ra một sự khởi đầu thuận lợi cho những cuộc trò chuyện của mình với con.

1. Hãy nói: “Con làm ơn nói nhẹ nhàng”
Thay vì: “Đừng có hét lên như thế nữa” hay “Yên lặng đi nào”
Ví dụ: “Mẹ yêu giọng hát của con và mẹ nghĩ con nên ra ngoài để hát thật lớn hơn là ở trong phòng đó con yêu”.
Giải thích: Một vài đứa trẻ ồn ào hơn những bé khác. Thế nên, nếu chúng không thể nói chuyện một cách nhẹ nhàng, bạn hãy chỉ cho con biết nơi nào được thoải mái nói to (chẳng hạn ở công viên) và nơi nào nên hạ giọng xuống (ví dụ trong thư viện).
Khi muốn con giữ yên lặng, bản thân bạn đừng hét vào mặt con. Hãy dùng âm vực nhẹ nhàng và hướng dẫn chúng.
2. Hãy nói: “Con muốn tự mình làm hay để mẹ giúp con?”
Thay vì: “Mẹ đã yêu cầu con 3 lần rồi, làm ngay đi!”
Ví dụ: “Đã đến lúc rời đi. Con muốn tự mình đi giày hay để mẹ giúp con?” hoặc “Con muốn mẹ cài dây an toàn cho con hay con sẽ tự mình làm?”
Giải thích: Hầu hết trẻ nhỏ sẽ phản ứng rất tốt nếu chúng được “trao quyền”. Hãy đưa cho con một lựa chọn và điều đó sẽ giúp phát triển kỹ năng tư duy của con.
3. Hãy nói: “Con đã học được gì từ những lỗi lầm đó?”
Thay vì: “Thật xấu hổ” hoặc “Nhẽ ra con phải thông minh hơn”
Ví dụ: “Con đã học được gì từ việc không làm bài tập về nhà mà cô đã giao?”
Giải thích: Cách tốt nhất bạn nên tập trung vào việc khích lệ chúng làm tốt hơn. Điều này sẽ khuyến khích con nỗ lực trong tương lai và cẩn thận hơn với mỗi hành động của mình.
4. Hãy nói: “Làm ơn…………………….”
Thay vì: “Dừng lại” hoặc “Chấm dứt ngay”
Ví dụ: “Mẹ muốn con đi và ngồi cùng chị”, thay vì “Đừng ngồi đây”.
Giải thích: Bất cứ câu mệnh lệnh mang tính tiêu cực nào cũng đều không nhận được phản ứng tích cực từ phía người nghe. Khi bạn ăn ở một nhà hàng, bạn hét lên: “Tôi không muốn cái bánh mì này” hoặc “đừng mang thêm cho tôi tách cà phê nào nữa” – người phục vụ ở đó sẽ không giúp bạn có những gì bạn muốn.
Điều này cũng tương tự với trẻ nhỏ. Bạn có thể đề nghị con làm những gì bạn muốn chúng làm, thay vì những gì bạn không muốn chúng làm.
5. Hãy nói: “Không sao cả, con cứ khóc đi”
Thay vì: “Đừng trẻ con thế” hoặc “Sao lại phải khóc?”
Ví dụ: “Con hãy khóc đi. Đừng lo lắng, mọi thứ sẽ ổn thôi. Mẹ ở đây với con rồi”.
Giải thích: Khi không vâng lời, trẻ sẽ phản ứng một cách nhanh chóng để giấu cảm xúc của mình. Đừng bắt chúng giấu điều đó mà hãy cho con thêm năng lượng và dạy bé vượt qua cảm xúc tiêu cực bằng cách tập trung vào nhiều hoạt động quan trọng hơn. Hãy nói với con rằng thể hiện bản thân không phải là việc xấu. Cách này giúp chúng thoát ra khỏi buồn chán và lấy lại sự tự tin. Tránh tranh cãi với con việc tại sao chúng không nên khóc. Hãy cho con được thả lỏng cảm xúc của mình.
6. Hãy nói: “Chúng ta đang bị muộn, cần phải di chuyển nhanh hơn thôi con!”
Thay vì: “Nhanh lên!” hoặc “Chúng ta sẽ muộn đó”.
Ví dụ: “Cổng trường sắp đóng rồi, hãy xem chúng ta có thể di chuyển nhanh như thế nào nhé!”
Giải thích: Dạy con về giá trị của thời gian cũng quan trọng nhưng mẹ cũng cần lưu ý khi cho phép chúng chút thời gian chết. Bạn có thể đặt ra những khoảng thời gian để con di chuyển từ từ và quen với sự việc theo tốc độ của chúng. Tuy nhiên, mẹ đừng quên nhắc trẻ lý do tại sao cần phải vội vã bằng giọng điệu nhẹ nhàng, tích cực, nhất là khi trẻ đang bướng.
7. Hãy nói “Con muốn đi bây giờ hay 10 phút nữa?”
Thay vì: “Đi ngay nào…!”
Ví dụ: “Con muốn chúng ta ra khỏi nhà ngay bây giờ hay 10 phút nữa?”
Giải thích: Trẻ nhỏ yêu thích việc tự đưa ra quyết định cho mình và được trao quyền. Việc đưa cho con sự lựa chọn sẽ giúp con có trách nhiệm với bản thân và mọi người.
8. Hãy nói: “Chúng ta cho thêm món đồ chơi này vào danh sách quà sinh nhật nhé?”
Thay vì: “Không, chúng ta không thể mua cái đó” hoặc “Không, mẹ nói không có đồ chơi gì hết cơ mà”.
Ví dụ: “Mẹ nghĩ mẹ không đủ tiền để mua món đồ này, con có muốn mẹ mua nó trong ngày sinh nhật nữa không?”
Giải thích: Nếu bạn thành thực với con, bạn có thể nhận được sự thông cảm từ chúng thay vì chê bai hoặc phản bác những mong muốn của chúng.
9. Hãy nói: “Dừng lại, hít thở và giờ hãy nói cho mẹ biết con muốn gì?”
Thay vì: “Con đừng có mà lèo nhèo nữa.”
Ví dụ: “Nào dừng lại, hãy thả lỏng cơ thể và nói cho mẹ biết con muốn gì ở cửa hàng đồ chơi đó?” hoặc “Đợi đã con yêu. Nói cho mẹ nghe chuyện gì xảy ra vậy?”.
Giải thích: Trẻ học hầu như mọi thứ từ chúng ta và điều đó khiến người lớn có trách nhiệm trở thành tấm gương mẫu mực cho chúng noi theo. Khi bạn nói với con điều gì, hãy chắc rằng bạn đang bình tĩnh, hít thở từ từ và trẻ cũng có thể làm điều tương tự. Nếu bạn lo lắng hoặc khiến bản thân sợ hãi, con cũng sẽ thu lượm năng lượng đó và có cách cư xử giống thế.
10. Hãy nói: “Hãy tôn trọng chính mình và người khác”
Thay vì: “Ngoan nào” hoặc “Đừng hỗn láo”
Ví dụ: “Con nhớ tôn trọng bản thân và các bạn khi ra ngoài sân chơi”.
Giải thích: Câu ra lệnh của bạn phải luôn cụ thể. Nói với con những gì bạn mong bé làm và nhắc lại rõ ràng bất cứ khi nào cần.
Hy vọng giúp ích được cho các bố mẹ 

———–
Thân mến,
Hoàng Ngọc Hân