Dạo gần đây Nhôm bước vào thời kỳ “khủng hoảng”, con stress và thường xuyên có hành động phản kháng lại lời của mẹ. Cô bé 4 tuổi của Hân bắt đầu có những lời từ chối “con không”, “con không muốn” thậm chí phớt lờ mẹ khi được mẹ yêu cầu làm một điều gì đó.
Mình cũng rất bực, đặc biệt khi vừa đi làm về và mình hiểu sẽ có rất nhiều bố mẹ tức giận và thậm chí lỡ tay đánh con trong tình huống này. Nhưng đừng vội nghĩ rằng “con hư” và có những hành động hay lời lẽ tiêu cực, thực ra “việc không tuân thủ” là một phần trong hành trình phát triển lành mạnh của trẻ đó bố mẹ ạ.
Vậy thì chúng ta cần làm gì? Hân sẽ chia sẻ một vài cách Hân đang áp dụng hiệu quả như sau.

1. Làm ngơ sự không tuân thủ của con
Một số nghiên cứu Hân đọc được trên verywellfamily.com có đề cập tới việc bỏ qua hành vi không tuân thủ có thể có hiệu quả trong việc khiến trẻ nhỏ tuân thủ hơn. Các con có một sự cảm nhận rất tốt cảm xúc của cha mẹ, và khi chúng cảm thấy có điều gì đó không ổn, chúng sẽ sát lại gần bố mẹ.
2. Dành lời khen khi con biết lắng nghe và tuân thủ
Ở tuổi 2-4 tuổi, bố mẹ sẽ thường xuyên phải đối mặt với việc con làm trái với mong muốn của mình, nhưng điều này không có nghĩa là không có lúc con không nghe lời. Điều quan trọng là tìm ra những hành vi tốt của con để khen ngợi, thậm chí tạo điều kiện cho con thực hiện để dành lời khen.
Ví dụ, mình hay tạo ra các tình huống như: “Nhôm ơi, con có thể lấy cho mẹ cốc nước được không?” Sau đó, ngay khi con thực hiện, hãy nói: “Cảm ơn con yêu đã đưa nước cho mẹ ngay khi mẹ cần.’’ Những lời khen như vậy sẽ khiến con cảm thấy bố mẹ đánh giá cao sự tuân thủ của chúng.
3. Đưa ra các lựa chọn cụ thể
Mình hay sử dụng cách này với Nhôm để “đối phó” với việc con không nghe lời. Mình thường cho con hai lựa chọn để khiến con cảm thấy như đang được kiểm soát mọi thứ. Bố mẹ nên tránh nói những câu mệnh lệnh như: “Con có mặc ngay áo bây giờ không?”, bởi hầu hết các con sẽ trả lời “không”.
Trong trường hợp này, hãy nói: “Con muốn mặc áo đỏ hay áo vàng nào? Chỉ cần đảm bảo rằng đó là những lựa chọn mà con yêu thích.
4. Tạo động lực cho con
Đây cũng là một cách hay để khuyến khích sự tuân thủ của con. Khi được sử dụng thường xuyên, trẻ bắt đầu thấy rằng chúng có một số quyền kiểm soát. Thay vì nói, “Con không thể chơi điện tử vì con chưa dọn dẹp phòng của mình”, hãy thử nói, “Con có thể chơi trò chơi điện tử ngay sau khi con dọn dẹp xong phòng của mình.” Sự thay đổi nhỏ trong cách nói của bố mẹ có thể thúc đẩy con hành động.
5. Xây dựng cam kết và tạo ra phần thưởng
Hãy cùng con tạo ra những bức tranh cam kết. Ví dụ: Cam kết đi ngủ trước 9h tối và thể hiện nó bằng hình vẽ rồi dán lên tường. Con sẽ nhìn vào đó và biết chúng cần thực hiện cam kết ngay. Khi con thực hiện đúng trong vòng 1 tuần hay một khoảng thời gian nhất định, bố mẹ có thể giành phần thưởng khuyến khích con.
Hãy cố gắng không sử dụng bất cứ lời lẽ hay cảm xúc tiêu cực nào với con. Hành vi của con trẻ được hình thành từ chính những điều các con quan sát và cảm nhận hàng ngày. Muốn con trở thành một em bé ngoan, bố mẹ hãy kiên nhẫn và kỷ luật tích cực.
Nguồn ảnh: Irina Troitskaya
———–
Thân mến,
Hoàng Ngọc Hân.